Tai mũi họng là một hệ thống quan trọng, đóng vai trò trong việc nghe, nói, thở và ăn uống. Tuy nhiên, đây cũng là vùng thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài, khiến chúng ta dễ mắc phải các bệnh lý tai mũi họng. Trong bài viết này, cùng Bảo Minh Medical tìm hiểu các bệnh tai mũi họng thường gặp để có thể nhận biết kịp thời và điều trị đúng cách nhé!
1. Bệnh tai mũi họng là gì?
Bệnh tai mũi họng là nhóm bệnh lý ảnh hưởng đến ba cơ quan chính gồm tai, mũi, và họng, đây là những cơ quan có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong hệ hô hấp và thính giác. Các bệnh tai mũi họng thường bao gồm nhiễm trùng, viêm, dị ứng và các vấn đề về cấu trúc tại các cơ quan này, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như đau tai, nghẹt mũi, ho, khàn giọng, khó nuốt, ù tai và thậm chí mất thính giác.
Những bệnh lý tai mũi họng thường gặp bao gồm viêm xoang, viêm họng, viêm amidan, viêm tai giữa và viêm thanh quản. Những bệnh này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm vi khuẩn, virus, dị ứng, hoặc các yếu tố kích thích từ môi trường (khói, bụi, hóa chất). Đặc biệt, tình trạng trào ngược dạ dày thực quản (GERD) cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây ra nhiều vấn đề trong hệ thống tai mũi họng.
2. Các bệnh lý tai mũi họng thường gặp
Các bệnh lý về tai mũi họng khá phổ biến ở nước ta do điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa. Các bệnh lý tai mũi họng phổ biến có thể kể đến gồm:
2.1. Viêm họng và phù nề họng
Viêm họng và phù nề họng là một trong các bệnh tai mũi họng thường gặp nhất có liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản. Axit trào lên làm tổn thương niêm mạc họng, gây viêm, đỏ, và phù nề. Người bệnh có thể cảm thấy đau rát họng, khó nuốt, và có cảm giác vướng mắc tại họng. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra viêm mạn tính, làm tăng nguy cơ viêm loét niêm mạc.
2.2. Viêm xoang
Tình trạng trào ngược dạ dày – thực quản cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm xoang. Tuy nhiên không phải ai cũng biết đến điều này, cho nên điều trị bệnh viêm xoang kéo dài mà không đạt được hiệu quả. Người bệnh thường bị nghẹt mũi, chảy nước mũi hoặc có cảm giác căng tức ở vùng mặt, nhất là khi thời tiết thay đổi thất thường.
2.3. Viêm thanh quản sau
Viêm thanh quản sau là hiện tượng niêm mạc phía sau thanh quản bị viêm do axit trào ngược lên. Triệu chứng bao gồm khàn giọng, đau rát họng, phù nề, sưng đỏ và phì đại biểu mô sau thanh môn sau. Viêm thanh quản sau kéo dài có thể làm tổn thương thanh quản, gây khó khăn trong việc phát âm.
2.4. Hạt, polyp, loét hoặc granuloma dây thanh âm
Hạt, polyp, loét, và granuloma là các tổn thương xảy ra ở dây thanh âm do tác động trực tiếp của axit dạ dày. Hạt và polyp thường xuất hiện do quá trình viêm kéo dài, gây sưng tấy hoặc dày lên tại dây thanh âm. Loét và granuloma là các tổn thương nặng hơn, thường gây đau khi nói, khàn giọng và khó chịu khi nuốt.
2.5. Hẹp hạ thanh môn hoặc khí quản
Axit trào ngược có thể gây viêm mãn tính tại vùng hạ thanh môn hoặc khí quản, dẫn đến tình trạng hẹp đường thở. Người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc thở, nhất là khi nằm xuống, đồng thời cảm giác khó chịu ở cổ họng hoặc ngực.
2.6. Carcinoma thanh quản hoặc vùng hầu
Viêm mãn tính do GERD có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư thanh quản hoặc ung thư vùng hầu. Các tổn thương mạn tính và sự kích thích axit thường xuyên làm tăng nguy cơ thay đổi tế bào thành ung thư. Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của trào ngược nếu không được điều trị kịp thời.
2.7. Túi thừa Zenker
Túi thừa Zenker là một túi nhỏ hình thành tại vị trí nối giữa thực quản và hầu. Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản có thể làm tăng áp lực trong thực quản, dẫn đến việc hình thành túi thừa. Túi thừa Zenker sẽ gây khó nuốt, gây nghẹn, và có nguy cơ nhiễm trùng nếu thức ăn mắc kẹt tại đây.
2.8. Mềm sụn khí quản
Trào ngược dạ dày thực quản có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của sụn khí quản, gây tình trạng mềm sụn. Đây là tình trạng khi sụn khí quản mất độ cứng, gây ra cảm giác khó thở, khò khè, và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Mềm sụn khí quản thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn khi tình trạng trào ngược dạ dày thực quản kéo dài.
2.9. Mài mòn răng và hình thành mảng bám răng
Axit trào ngược không chỉ gây ảnh hưởng đến vùng hầu họng mà còn có thể gây tổn thương răng. Axit khi tiếp xúc với răng có thể gây mòn men răng, làm cho răng trở nên nhạy cảm, dễ vỡ. Tình trạng này cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, hình thành mảng bám răng và tăng nguy cơ viêm nướu.
3. Cách nhận biết các bệnh lý tai mũi họng
Những triệu chứng của các bệnh tai mũi họng liên quan đến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản có thể bao gồm:
- Khàn giọng: Khàn giọng là một dấu hiệu điển hình của viêm thanh quản và các tổn thương tại dây thanh âm.
- Đau rát họng: Người bệnh thường xuyên cảm thấy đau rát, nhất là sau khi ăn hoặc khi nằm ngủ.
- Ho mãn tính và ho khan: Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây kích thích đường hô hấp, gây ho kéo dài.
- Khó nuốt: Viêm họng và phù nề họng có thể gây khó khăn khi nuốt thức ăn hoặc chất lỏng.
- Khó thở: Tình trạng hẹp khí quản hoặc hạ thanh môn có thể gây cảm giác khó thở, đặc biệt là khi nằm hoặc sau bữa ăn.
- Răng nhạy cảm và mòn: Mòn răng, răng nhạy cảm và hình thành mảng bám là dấu hiệu của tổn thương do axit từ dạ dày trào ngược lên miệng.
Ngoài các dấu hiệu trên, bệnh nhân còn có thêm các biểu hiện của tình trạng trào ngược như: ợ hơi, ợ chua, ợ nóng và nóng rát phía sau xương ức,… Đây chính là cách phân biệt các bệnh lý tai mũi họng thông thường và bệnh lý tai mũi họng có liên quan với tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.
Tìm hiểu thêm bài viết: Quy trình nội soi tai mũi họng
Lời kết: Các bệnh tai mũi họng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Để phòng ngừa và điều trị các bệnh lý này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa việc kiểm soát trào ngược dạ dày thực quản và điều trị triệu chứng tai mũi họng. Điều chỉnh lối sống, tuân thủ điều trị y tế và đến khám bác sĩ tai mũi họng định kỳ là những yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của bạn.