Tổng quan về nội soi tai mũi họng
Nội soi là một kỹ thuật hiện đại, sử dụng các loại dụng cụ chuyên biệt để quan sát trực tiếp hình ảnh bên trong các cơ quan của cơ thể . Người ta có thể quay phim, chụp hình bên trong các cơ quan, lấy dị vật, sinh thiết, kỹ thuật cao nhất là phẫu thuật nội soi.
Nội soi hiện nay được dùng trong tất cả các chuyên khoa: tai mũi họng, sản, ngoại, tiết niệu, xương khớp, tiêu hóa (thực quản, dạ dày, ruột già…) thần kinh, thẩm mỹ…
NỘI SOI TAI MŨI HỌNG
Khi nào thì cần nội soi tai mũi họng?
Nói chung khi có vấn đề bệnh lý tai mũi họng thì cần phải nội soi, đặc biệt khi nghi ngờ bị viêm xoang, u bướu vùng mũi họng, thanh quản, các trường hợp đau nhức đầu dai dẳng, khan tiếng hay ho khạc kéo dài.
Nội soi tai mũi họng giúp ích được gì?
Ngoài việc nó là một ” tiêu chuẩn vàng “ để chẩn đoán bệnh viêm xoang, nội soi còn giúp phát hiện chính xác các bệnh lý khác ở mũi như: vẹo vách ngăn ,gai vách ngăn mũi, các bất thường về cấu tạo của hốc mũi. Đặc biệt nó là một phương tiện hữu hiệu để phát hiện sớm ung thư vòm mũi họng.
Nội soi còn giúp phát hiện các bệnh lý ở hạ họng thanh quản mà với dụng cụ khám tai mũi họng thông thường không thể phát hiện ra được, chẳng hạn như polype thanh quản, viêm thanh quản, hạt dây thanh, liệt dây thanh âm. Đặc biệt chỉ có nội soi mới giúp ích thật sự cho việc phát hiện các khối u thanh quản (bướu máu thanh quản, ung thư thanh quản, hạt và polyp dây thanh…)
Nội soi tai giúp phát hiện bệnh viêm tai giữa, các trường hợp có rối loạn vận động vòi nhĩ gây ù tai…
Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi nội soi tai mũi họng?
Vì thời gan nội soi khoảng 15 phút và không có tác dụng phụ gì nên bệnh không cần chuẩn bị trước khi nội soi. .
Các bước nội soi tai mũi họng:
1. Bác sĩ khám tai mũi họng với dụng cụ thông thường đề đánh giá sơ bộ tình trạng hiện tại của bệnh nhân.
2. Bác sĩ đặt vào mũi bệnh nhân một đoạn ngắn bông gòn có tẩm thuốc co mạch và thuốc tê.
3. Sau 5 đến 10 phút đoạn bông gòn được lấy ra và tiến trình nội soi được thực hiện.
4. Bác sĩ tuần tự kiểm tra mũi, vòm hầu, hạ họng, thanh quản và cuối cùng là kiểm tra tai bệnh nhân bằng máy nội soi tai mũi họng. Kết quả sẽ được in trên giấy và trả cho bệnh nhân sau 5 phút.
Nội soi tai mũi họng có đau không?
Bệnh nhân sẽ không có cảm giác đau khi được nội soi vì các nguyên nhân sau: hốc mũi của bệnh nhân đã được thuốc co mạch làm cho nở rộng ra nên việc soi rất dễ dàng. Thuốc tê làm mất cảm giác của niêm mạc mũi. Ống nội soi rất nhỏ so với hốc mũi. Bệnh chỉ có cảm giác nồng và rát trong mũi khi bác sĩ đặt gòn tẩm thuốc co mạch và thuốc tê vào mũi.
Sau khi ra về bệnh nhân có thể bị chảy mũi nhiều hơn nhưng sẽ hết sau vài giờ.
Trong khi tiến hành nội soi, nếu phát hiện có dị vật trong mũi, họng, tai của bệnh nhân, bác sĩ sẽ lấy ra cho bệnh nhân, hoặc nếu phát hiện khối u nghi ngờ ác tính, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ để lấy một mảnh mô nhỏ gởi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra xem đó là u lành tính hay u ác tính.
Tóm lại kỹ thuật nội soi là một kỹ thuật y khoa hiện đại giúp chẩn đoán sớm và chính xác rất nhiều bệnh đặc biệt là các bệnh lý tai mũi họng. Kỹ thuật nội soi không đau, không gây chảy máu, nó được gọi là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu. Nội soi tai mũi họng hầu như không có chống chỉ định thực hiện nào vì nó rất an toàn cho bệnh nhân.